[GIÁO DỤC] Mối quan hệ nhà trường & Hội cha mẹ học sinh: Đâu là ranh giới?
Manage episode 433954773 series 3592817
Bài viết của các tác giả Thanh Bình, Ngô Thị Phương Lê, Nguyễn Tri Anh trên tờ Tuổi trẻ cuối tuần số tháng 6/2024
Về bản chất, "xã hội hóa" trong giáo dục là việc yêu cầu cha mẹ chia sẻ bớt gánh nặng tài chính với nhà trường. Ý tưởng này là hoàn toàn hợp lý, chỉ có việc thực thi là có quá nhiều sai lệch.
Tiền "xã hội hóa"
Từ năm 2008, Chính phủ có nghị định về khuyến khích xã hội hóa giáo dục y tế, văn hóa. "Xã hội hóa" sau đó được dùng như một phép màu để nhà trường sử dụng tiền của hội cha mẹ học sinh cho các việc mua sắm, kêu gọi đóng góp nhưng ít chịu gánh nặng giải trình đầy đủ.
Về bản chất, "xã hội hóa" trong giáo dục là việc yêu cầu cha mẹ chia sẻ bớt gánh nặng tài chính với nhà trường. Ý tưởng này là hoàn toàn hợp lý, chỉ có việc thực thi là có quá nhiều sai lệch.
Sự việc cô hiệu trưởng ngắt lời một vị đại diện cha mẹ, không cho nêu lên các thắc mắc trong việc nhà trường sử dụng tiền từ quỹ cha mẹ đóng góp nói lên sự nhập nhằng không đáng có giữa hai bên (Tuổi Trẻ 30-5-2024).
Sự nhập nhằng này là điều dễ dàng tránh được, nếu ranh giới tài chính giữa nhà trường và hội cha mẹ được vạch ra rõ ràng, và "xã hội hóa" được thực hiện minh bạch.
Điều kỳ quặc nhất trong chuyện này, nhưng rất tiếc lại là điều xảy ra phổ biến, là hiệu trưởng lại có thể "báo giá" sản phẩm cho hội cha mẹ. Sự thật là hiệu trưởng ở các trường học công tại Việt Nam có những quyền hành quá lớn bao trùm lên hội phụ huynh mà không bằng cấp vào có thể biện minh được.
Về mặt lý thuyết, hiệu trưởng là người làm việc chuyên môn về giáo dục, có thể giúp điều chỉnh chương trình học, hỗ trợ giáo dục cho trẻ, tư vấn cho phụ huynh về cách giúp đỡ con học nhưng không thể có trình độ về mua sắm trang thiết bị. Họ không phải là nhà thầu có giấy phép, sao có thể "báo giá" lại cho cha mẹ học sinh?
Trong ý kiến nhanh phần "cướp mic" của hiệu trưởng Chung có câu "muốn kiện thì sẽ giải quyết ở cấp trên". Thực ra, không cần có "cấp trên" nào để giải quyết vấn đề bất bình giữa phụ huynh và nhà trường. Khi một nghi vấn của phụ huynh đã được đưa lên, nhà trường có trách nhiệm giải trình.
Có thể một số người cho rằng việc phụ huynh phản ảnh thích hợp hơn ở một thời gian khác, không nên làm trong buổi lễ tổng kết của học sinh. Nhưng rất có thể, đã không có thời gian và không gian ấy cho những vấn đề tương tự hoặc nếu ở không gian khác, thời điểm khác, tiếng nói của phụ huynh có thể dễ dàng bị phớt lờ. Điều quan trọng là thông điệp đã được nói ra, nhà trường cần phải làm rõ.
Hội cha mẹ không phải và không bao giờ nên là một cánh tay nối dài cho quyền lực của hiệu trưởng. Chức năng của hội cha mẹ là làm những việc hiệu trưởng và ban giám hiệu không đủ năng lực để làm, bao gồm chức năng quan trọng là giám sát hoạt động của chính hiệu trưởng và nhà trường.
Nếu thực hiện như vậy, việc "báo giá" mua sắm thông qua nhà trường là hoàn toàn không cần thiết. Nếu có yêu cầu của nhà trường và nếu hội phụ huynh bỏ phiếu đồng ý, hội cha mẹ sẽ lấy báo giá, tự mua sắm và thuê lắp đặt. Mua sắm và công khai tài chính là một điểm lẽ ra dễ dàng nhất về mặt kỹ thuật, lẽ ra cần được minh bạch công khai nhất để tạo niềm tin, thì lại trở thành rắc rối và mờ ám nhất.
Hội cha mẹ học sinh ở Mỹ
Tôi đã là thành viên của hội cha mẹ học sinh tại một vài trường tiểu học ở Mỹ. Hội cha mẹ có sức ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của nhà trường và tồn tại độc lập với nhà trường.
Hội phụ huynh là cầu nối giữa các gia đình, gia đình với nhà trường, giáo viên và cộng đồng địa phương. Hội phụ huynh thực hiện các việc như giám sát nhà trường, tổ chức hoạt động gây quỹ, tình nguyện, tổ chức sự kiện giáo dục, câu lạc bộ và hoạt động ngoài trời.
Hội có tài khoản riêng, website riêng và chương trình hoạt động riêng. Đặc biệt là về mặt tài chính, hiệu trưởng và ban giám hiệu chỉ có thể đưa ra đề xuất nhưng không có quyền trong việc phê duyệt và thực hiện.
Hiệu trưởng hay ban giám hiệu kiểm soát không thể tạo áp lực nào lên hội cha mẹ, mà hoàn toàn ngược lại, là đối tượng để cha mẹ giám sát. Thậm chí, hội phụ huynh có thể nêu lên những sai phạm ở nhà trường và hiệu trưởng có thể bị sa thải.
Trong các cuộc họp của hội cha mẹ, thường diễn ra mỗi tháng một lần, hiệu trưởng được mời để báo cáo các hoạt động đáng chú ý, đồng thời để trả lời các chất vấn từ phụ huynh. Hội phụ huynh hoạt động như một tổ chức giám sát mọi hoạt động của nhà trường. Trong nhiều trường hợp, hội là cầu nối giữa các giáo viên, đặc biệt là giáo viên mới vào nghề, và ban giám hiệu trường.
Đối với một vấn đề dễ nhất để thực hiện công khai minh bạch như vấn đề tài chính, hầu như không một ai cần băn khoăn gì. Mọi hoạt động chi tiêu được thể hiện trên sao kê ngân hàng, số dư được báo cáo mỗi tháng trên website, ai cũng có thể kiểm định và yêu cầu làm rõ khi cần.
Hội phụ huynh có đề ra một số chương trình nhỏ để hỗ trợ các lớp học và giáo viên khi cần, khi ngân quỹ của trường không được phân bổ đủ để làm những việc này. Chẳng hạn, cô giáo phụ trách tư vấn tâm lý có thể điền đơn yêu cầu mua thảm, ghế ngồi cho phòng tư vấn.
Hiệu trưởng có thể đề xuất hội chi một khoản để luôn duy trì có băng vệ sinh cho các nữ sinh trong trường. Dĩ nhiên, tất cả việc chi dùng đều dựa trên cơ sở có ít nhất 2/3 thành viên có mặt của hội bỏ phiếu đồng thuận. Nhà trường không có bất kỳ quyền hành nào trong việc điều khiển hội phụ huynh sử dụng số tiền như thế nào.
Đối với những phần việc nhà trường phải làm, cha mẹ luôn có quyền đòi hỏi phải đáp ứng, chẳng hạn có một vòi nước bị hỏng cần phải sửa ngay. Một lần khác, có vị phụ huynh nêu trường hợp con mình đã rất buồn bã vì trong giờ giải lao mặc dù em đã đến ngồi chờ ở ghế "buddy" nhưng không có bạn đến chơi , hiệu trưởng ghi nhận người phụ trách trông học sinh vào giờ chơi cần lưu ý điều này.
Trong một cuộc họp khác, một số cha mẹ cho rằng con mình, vì lý do sức khỏe hay tinh thần, không thích hợp cho việc chịu nhiều áp lực thi cử. Hiệu trưởng khi đó phải làm rõ kỳ thi nào là bắt buộc theo luật của tiểu bang, kỳ thi nào là tự nguyện, mỗi bài thi nhằm mục đích gì, chỉ có thể đo lường được ở góc độ nào, chứ không phải là một công cụ đánh giá toàn diện mọi khía cạnh phát triển của học sinh.
Một lần khác, cô hiệu trưởng thấy hai học sinh chạy băng qua sân trường nơi không có vạch trắng qua đường, đoạn dành cho các xe buýt đưa đón học sinh, cô đã la hai bạn dừng lại và có vẻ mặt giận giữ. Một số phụ huynh chứng kiến cảnh này sau đó đã đưa ra cuộc thảo luận và nêu ý kiến không đồng tình, hiệu trưởng cũng phải ghi nhận.
Việc vạch ra ranh giới rõ ràng giữa nhà trường và hội cha mẹ học sinh, đặc biệt là về vấn đề tài chính, sẽ giúp tạo ra niềm tin giữa các cha mẹ đối với nhà trường. Trên nền tảng đó, cha mẹ mới tiếp tục đóng góp tiền bạc, thời gian và công sức giúp ích cho các hoạt động giáo dục.
82 episodi